Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó phải kể đến sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí tư lợi cá nhân của người sử dụng đất và một số cán bộ quản lý đất đai ở cơ sở. Từ nhu cầu và lợi ích trước mắt, một số người dân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để vi phạm. Cán bộ một số địa phương do trình độ, năng lực hạn chế, tâm lý cả nể, ngại va chạm, thậm chí tư lợi khiến vi phạm không được giải quyết hoặc giải quyết không triệt để. Nhiều lãnh đạo địa phương vẫn còn tâm lý ngại va chạm, sợ trách nhiệm nên xử lý không kiên quyết, dứt điểm.
|
Giải tỏa công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu)
(Ảnh chụp tháng 9.2021)
|
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xử lý được gần 3 nghìn trường hợp xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp; gần 22,4 nghìn trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất thuộc hành lang giao thông; gần 1,2 nghìn trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, mới chỉ xử lý được khoảng 35% số trường hợp vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; 31% số trường hợp vi phạm công trình thủy lợi và 95% số trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông. Mặc dù số trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông được xử lý đạt tỷ lệ cao nhất, nhưng chủ yếu là những vi phạm có quy mô nhỏ, quá trình xử lý đơn giản, nhưng trên thực tế tình trang tái vi phạm xảy ra khá phổ biến.
Đồng chí Phan Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã xử lý dứt điểm được 29 trường hợp xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, vượt kế hoạch cấp trên giao, không có trường hợp tái vi phạm. Hiện xã tiếp tục tuyên truyền, vận động xử lý 7 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, phấn đấu hết năm 2021 không còn trường hợp vi phạm trong diện phải giải tỏa. Kinh nghiệm của địa phương trong xử lý vi phạm về đất đai là “phòng ngừa hơn tháo dỡ”, phát hiện và ngăn chặn ngay khi có dấu hiệu vi phạm. Khi đã tuyên truyền, vận động nhưng các hộ vi phạm cố tình không tự giác giải tỏa, xã sẽ vào cuộc cưỡng chế tháo dỡ. Nếu thiếu quyết liệt, thực hiện không đúng quy trình sẽ không tác động được đến nhận thức của người dân, mặt khác có thể gây mất an ninh trật tự.
Để siết chặt công tác quản lý đất đai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 977-TB/TU ngày 21.12.2017 thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong quản lý đất đai, xử lý vi phạm. Giao quyền chỉ đạo và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không để vi phạm mới trên địa bàn…
|
Phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) hỗ trợ người dân tháo dỡ công trỉnh xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (Ảnh chụp tháng 11.2021) |
Từ năm 2018 đến nay, một số huyện, thị xã đã ban hành các văn bản lãnh đạo thực hiện công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm, trong đó có yêu cầu tạm dừng điều hành chung của chủ tịch UBND một số xã để tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 93a. Tại huyện Ân Thi, sau khi thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của lãnh đạo một số xã, thị trấn trong quản lý đất đai, tháng 5.2021, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành các quyết định xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo UBND và công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường xã Đào Dương, do không kịp thời xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn.
Từ năm 2011 đến tháng 10 năm nay, thanh tra các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tiến hành gần 300 cuộc thanh tra trong lĩnh vực đất đai tại các địa phương, phát hiện hơn 200 đơn vị cấp cơ sở có vi phạm. Trong khi đó, công tác cưỡng chế giải tỏa vi phạm về đất đai của một số địa phương chưa quyết liệt. Việc xử lý chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Một số xã, thị trấn hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở việc rà soát, thống kê các vi phạm mà chưa tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý đất đai nói chung và công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai nói riêng, đòi hỏi sự vào cuộc có hiệu quả của các cấp, các ngành, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trong công tác quản lý đất đai, vi phạm về đất đai là do một số địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn thiếu và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; công tác thanh tra, kiểm tra quản lý đất đai ở cơ sở chưa thực hiện thường xuyên. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai. Năm 2021 và những năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn và địa phương để thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực đất đai như: Phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đất đai; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật đất đai; kịp thời ngăn chặn những sai phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.