104 năm trước (năm 1917), Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại, là một sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới, có ảnh hưởng rộng nhất tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ và thúc đẩy cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ. Ý nghĩa thời đại và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại là tài sản vô giá, có giá trị bền vững, tiếp tục lan tỏa sức sống mãnh liệt đối với cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại _Nguồn: alamy.com
Ngày 7-11-1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V. I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô-viết”, “Ruộng đất, hòa bình và bánh mỳ”, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã giành thắng lợi trong cuộc cách mạng vĩ đại, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga đã “làm rung chuyển” cả thế giới đầu thế kỷ XX, tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau.
Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới mà cuộc cách mạng ấy khởi dựng là cơ sở, điều kiện quyết định tạo nên bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng Việt Nam: Thoát khỏi bế tắc về đường lối cứu nước; đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ở Việt Nam đã có rất nhiều phong trào yêu nước diễn ra, song đều không thành công; nhiều tư tưởng, phương pháp cách mạng đã được trải nghiệm, nhưng đều thất bại. Lời than của cụ Phan Bội Châu: “Cuộc đời tôi trăm thất bại chẳng một lần thành công” phản ánh sự bế tắc của con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trên cả phương diện tư tưởng - lý luận và thực tiễn. Kể cả hướng đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, dù đã rút kinh nghiệm từ những nhà yêu nước đi trước, là hướng đi mới, đầy sáng tạo nhưng vẫn chưa tìm thấy con đường cứu nước phù hợp. Cuộc hành trình trong sáu năm từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, châu Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chưa có được lời giải thấu đáo cho nhiều vấn đề mà Người đau đáu bấy lâu. Tìm hiểu các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1). Một con đường cách mạng mà “quyền giao cho dân chúng số nhiều”, để “khỏi hy sinh nhiều lần”, để dân chúng được hạnh phúc luôn là điều Người mong muốn, nhưng chưa từng có trong thực tế.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội từ những ước mơ, nguyện vọng ngàn đời của quần chúng lao khổ, bị áp bức bất công; từ lý luận khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân trở thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn. Ban đầu, tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười Nga chưa lập tức tác động đến Nguyễn Ái Quốc do bị đế quốc và phản động quốc tế tìm mọi cách bưng bít thông tin, nhưng với sự nhạy cảm về chính trị, nên “tuy chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử” của Cách mạng Tháng Mười Nga, Người vẫn nhận thấy đây là một biến cố to lớn và “có một sức lôi cuốn kỳ diệu”(2). Những nhận thức ban đầu này đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu kỹ thêm về Cách mạng Tháng Mười Nga và tham gia vào cuộc đấu tranh ủng hộ nước Nga Xô-viết. Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cho cả loài người, mở ra thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư sản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(3). Bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Người đã rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(4). Muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng lấy quần chúng nhân dân làm gốc và giải phóng triệt để quần chúng nhân dân khỏi ách áp bức dân tộc và giai cấp. Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp đó là “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản lần thứ III đã tác động sâu sắc đến Hồ Chí Minh “như một ánh sáng diệu kỳ, nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”(5).
Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới do nó tạo nên một nhân tố thời đại quan trọng, góp phần quyết định hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ việc nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đi theo con đường thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã khởi dựng, thể hiện trong việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12-1920)… là những sự kiện đầu tiên thể hiện bước hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đây, Người tiếp tục nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười Nga, về nước Nga Xô-viết, dầy công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước và chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc chặng đường dài khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đi theo ánh sáng thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo _Nguồn: Tư liệu TTXVN
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, có sức hấp dẫn lớn đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Với việc phá tan “nhà tù của các dân tộc” do chế độ Sa hoàng lập ra, chấm dứt sự không bình đẳng giữa các dân tộc, Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Hồ Chí Minh rất tin tưởng và đánh giá cao. Người nhận định: “Lê-nin đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên cách mạng mới và chân chính trong các nước thuộc địa… Việc Lê-nin giải quyết vấn đề dân tộc hết sức phức tạp ở nước Nga Xô-viết là một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ cho các nước thuộc địa”(6). Có thể thấy, một trong những điểm hấp dẫn nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Hồ Chí Minh chính là vấn đề dân tộc - vấn đề cơ bản đã và đang đặt ra với Tổ quốc của Người, là động lực để Người ra đi tìm đường cứu nước. Lần đầu tiên Hồ Chí Minh tìm thấy một chủ nghĩa ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam. Với Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lê-nin đã nêu một luận thuyết mới khi phát triển học thuyết của C. Mác. Đó là nguyên lý về việc giải phóng dân tộc thuộc địa cần có sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản và nhân dân bị áp bức ở tất cả các nước; gắn vấn đề dân tộc với sứ mệnh lãnh đạo của giai cấp công nhân, với chủ nghĩa xã hội. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga, cách mạng Việt Nam không chỉ tìm thấy đồng minh, có được sự ủng hộ quốc tế to lớn, mà còn giúp chúng ta vận dụng thành công những phương pháp, cách thức, kinh nghiệm trong cách mạng giải phóng dân tộc. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã rút ra một kết luận mang tính chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(7).
V.I. Lê-nin - Cách mạng Tháng Mười Nga và Hồ Chí Minh - Cách mạng Tháng Tám thực tế có mối quan hệ biện chứng, hợp quy luật. Sự gặp gỡ tự nhiên, tất yếu và điển hình giữa Hồ Chí Minh với ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng của V.I. Lê-nin là cuộc gặp gỡ giữa dân tộc và thời đại, giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, đã có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc và vô cùng mật thiết tới cách mạng Việt Nam. Không có Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không có thời đại mới, thì sẽ không có sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ dẫn phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã thiết lập trên thực tế những nội dung mới và triệt để trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Đó là độc lập dân tộc thực sự về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao; xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột và nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác; quan hệ giữa các nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền dân tộc, cùng đóng góp vào lợi ích chung của các dân tộc, vì hòa bình thế giới, vì sự tiến bộ của loài người. Và đó cũng chính là những giá trị bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nước Nga Xô-viết ra đời, Nhà nước Nga Xô-viết - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được thiết lập. Đây là Nhà nước dân chủ của đa số người lao động, chứ không phải nhà nước của thiểu số bóc lột; nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự. Ngay sau ngày cách mạng thành công, chính quyền Xô-viết đã xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị. Quần chúng công - nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác, như quyền nhà ở, quyền được học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo...
Cách mạng Tháng Mười Nga bắt đầu chuyển sang một hệ thống xã hội tiến bộ hơn, hệ thống chủ nghĩa xã hội mà loài người luôn mơ ước; tạo ra trong đời sống một hình thái mới của hệ thống chính trị. Từ “chiếc nôi nước Nga”, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở nhiều không gian địa - chính trị trọng yếu, thu được những thành tựu to lớn. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành một thực thể quan trọng, cấu thành nền chính trị thế giới và tác động sâu rộng đến quan hệ quốc tế. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã nhân lên sức mạnh của phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh và nguy cơ chiến tranh, góp phần củng cố, phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Lăng V.I. Lê-nin, ngày 16-7-1957 _Nguồn: hochiminh.vn
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đưa ra lời giải chính xác trên thực tế về phương hướng, mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc, đó chính là chủ nghĩa xã hội. Từ thực tế Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội không đơn giản là giai đoạn cách mạng thứ hai sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn là định hướng và điều kiện bảo đảm giữ vững thành quả của công cuộc giải phóng dân tộc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”(8).
Tinh thần cách mạng không ngừng của Cách mạng Tháng Mười Nga một lần nữa được thể hiện rõ tại Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Những kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội thời chiến ở Liên Xô được vận dụng sáng tạo trong “kháng chiến kiến quốc”, đặc biệt là trong thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng ở miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam.
Thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đã cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những bài học mẫu mực về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng. Những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bài học kinh nghiệm về xây dựng, củng cố khối liên minh công - nông, bài học về vận động và tập hợp quần chúng… đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng ngay từ khi vạch ra Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (3-2-1930), tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong suốt quá trình lãnh đạo tổ chức cao trào giải phóng dân tộc từ năm 1941 để đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công - nông; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng… Những bài học kinh nghiệm về “Cách mạng phải biết tự bảo vệ”, về xây dựng kiểu nhà nước mới của nhân dân lao động, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, kết hợp đấu tranh hòa bình, ngoại giao với chiến tranh cách mạng… cũng được Hồ Chí Minh vận dụng rất sáng tạo trong thời kỳ 1945 - 1946; thể hiện rất rõ trong việc ký Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) mà giới sử học vẫn ca ngợi và so sánh với Hòa ước Brét-Li-tốp (3-3-1918) mà V.I. Lê-nin đã từng ký với Đức. Đồng thời, chính cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 91 năm qua dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú, khẳng định thêm tầm vóc lớn lao, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm phòng trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 1-9-2020 _Ảnh: TTXVN
***
Trải qua hơn một thế kỷ, những thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga và các giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động sâu sắc, tạo nên những giá trị mới trong tiến trình phát triển của nhân loại. Dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đã từng chịu những tổn thất nặng nề, nhưng giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn trường tồn, mang giá trị vĩ đại, tầm ảnh hưởng sâu rộng và sức sống bất diệt. “Những thành tựu có quy mô và tầm vóc lịch sử thế giới của chủ nghĩa xã hội là không thể phủ nhận, nó đã từng là giá trị thể hiện bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, mãi mãi còn in dấu trong lương tâm, ký ức nhân loại”(9). Những giá trị của chủ nghĩa xã hội vẫn đang hiện diện và ngày càng khẳng định rõ hơn trong thế giới đương đại; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục khẳng định giá trị bền vững, sức sống mạnh mẽ là xu thế phát triển của nhân loại. Dưới tác động và ảnh hưởng của toàn cầu hóa, chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa xã hội cải cách và đổi mới hiện nay lại có cơ hội để đạt tới một chất lượng mới, thực sự khoa học - cách mạng và nhân văn, là phương án lựa chọn tin cậy của các dân tộc trong hành trình đi tới độc lập, tự do và làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình.
Lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại đang tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho chúng ta đi đến tương lai, xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII của Đảng khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và coi đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động(10). Đó cũng chính là khẳng định phương hướng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo những giá trị thời đại khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 296
(2) Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 17
(3) Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” trong sách: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 299
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 304
(5) Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 11
(6) Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” trong sách: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 36 - 37
(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 30; t. 1, tr. 496
(9) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ 1986 đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 206
(10) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33