Ngày 9-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Việt Nam”, Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức sẽ là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các DN công nghệ (DNCN) Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số vấn đề:
Thứ nhất, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu. Và làm thế nào để có bước tiến dài, mạnh mẽ như vậy? Theo Thủ tướng, phải chăng đó là một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đó là khoa học và công nghệ, là DNCN. Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà cần phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các DNCN này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.
Thứ hai, DNCN là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045. Với xu thế sôi động không thể đảo ngược của cuộc CMCN 4.0 và nền kinh tế số thì các DNCN Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò bản lề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lâu dài. Vì vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của DN và của nền kinh tế.
Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (CNTT và truyền thông), có gần 50 nghìn DN đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới là có 100 nghìn DN và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với DN sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó, đi ra nước ngoài.
Thứ ba, chính CMCN 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới thay đổi trật tự kinh doanh. Các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. Do đó, chúng ta cần tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng tin tưởng với không ít lợi thế về phát triển CNTT và lợi thế nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, chương trình hành động cụ thể, kịp thời triển khai, thực thi quyết liệt, hiệu quả.
Thứ tư, chúng ta cần phải vượt qua rào cản, thách thức với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn phát triển DNCN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, các DNCN Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Vì vậy, DNCN Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị. Trong tiến trình này, DNCN Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.
Do đó, những câu hỏi đặt ra như DN Việt Nam có thể giải quyết bài toán của Việt Nam mang ra nước ngoài được hay không? Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những DNCN hàng đầu trên thế giới đã có chiến lược xây dựng hệ sinh thái chung quanh các sản phẩm cốt lõi, thế mạnh của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. DN Việt Nam sẽ làm gì, tham gia thế nào? Và nâng DNCN Việt Nam lên tầm khu vực và thế giới bằng cách nào?
Thứ năm, thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến cho nên phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số. Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải nhường chỗ cho phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo là một yêu cầu đặt ra tại Diễn đàn lần này.
Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa. Vì vậy, sau Diễn đàn quan trọng này, chúng ta sẽ nhận một sứ mệnh lịch sử với tên gọi “Phát triển DNCN Việt Nam” để vượt qua thách thức, bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng.
Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển DNCN Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam).
Từ tinh thần ấy, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp: Các DNCN Việt Nam cần phát huy được tinh thần "có công mài sắt, có ngày nên kim”. DN cần nhận thức đúng về CMCN 4.0, không phải đơn thuần chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thật sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích các DN lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển DNCN Việt Nam. Các DN lớn của Việt Nam cần đặt sứ mệnh DN gắn liền với sứ mệnh quốc gia. Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các DNCN.
Muốn có DNCN, việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Không có gì lan tỏa nhanh công nghệ bằng sức mạnh của thị trường, vì vậy, để “Make in Việt Nam” thành công thì đầu tiên, then chốt nhất phải là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của từng cấp, từng ngành và từng DN.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các DNCN phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho DNCN.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
* Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận chính: DN công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; DN công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển DN công nghệ tại Việt Nam; Chia sẻ giải pháp, kết nối các DN công nghệ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, ngành công nghiệp CNTT ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8%, trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm 4,3 tỷ USD, dịch vụ CNTT 5,7 tỷ USD, và công nghiệp nội dung số hơn 800 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Năm 2018, công nghiệp CNTT ước tính đóng góp gần 50 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn một triệu lao động.