TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH !
Hoạt động cấp ủy
Đăng ngày: 23/05/2019 - Lượt xem: 804
HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng

Sáng ngày 23/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu của tỉnh, dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.

Tại điểm cầu huyện nhà, dự hội nghị có đồng chí Lê Trí Viễn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trần Duy Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; dự hội nghị còn có Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chấp hành đảng bộ huyện; đại diện lãnh đạo các ban, phòng, ngành của huyện; ủy viên UBKT huyện ủy; các đồng chí Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc huyện ủy; đồng chí Chủ tịch UBND, đồng chí Trưởng ban tuyên giáo Đảng ủy; công chức văn hóa các xã, thị trấn trong huyện, cùng đại diện các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Nhằm tổ chức triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Các địa phương, các cơ quan, đơn vị cũng đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa thực hiện nghị quyết.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người trong tình hình mới đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đã được nâng lên. Nhân dân ngày càng tự giác và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tích cực, chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại.

Đến năm 2018, toàn tỉnh có 91% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 749/851 làng, khu phố văn hóa, đạt tỉ lệ 88%; 661 gia đình được công nhận gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền cấp tỉnh, trên 4500 gia đình được công nhận cấp huyện và trên 6.400 gia đình được công nhận cấp xã; 62 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận lại danh hiệu Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 05 năm (2014-2018) và có 32 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND huyện, thành phố công nhận đạt chuẩn văn hóa lần đầu. 100% thôn, làng và các khu dân cư xây dựng được nghĩa trang nhân dân có khu hung táng, cải táng riêng biệt; 100% số làng, khu phố xây dựng được hương ước, qui ước trong đó có nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa mới. Giai đoạn 2015 – 2018, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 330 tỷ đồng cho xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở. Công tác giáo dục – đào tạo được quan tâm thường xuyên, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được đẩy mạnh thực hiện. Việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Công tác quản lí nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có bước trưởng thành.

Tuy nhiên, báo cáo sơ kết và các ý kiến tham luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra một số hạn chế đó là: Việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở một số nơi còn chậm; có đảng bộ xã, phường, thị trấn còn chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể; Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí công cộng; Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hiệu quả chưa cao, một số quy hoạch bảo tồn đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc tiến độ thực hiện chậm; Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao; các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều; Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa chưa rộng khắp; Đội ngũ làm công tác văn hóa và công tác lí luận, phê bình văn học nghệ thuật còn yếu và thiếu; cơ chế, chính sách hộ trợ chưa khuyến khích được những người làm công tác văn hóa, nhất là văn, nghệ sỹ; công tác hỗ trợ đào tạo tài năng, chế độ chính sách còn thấp, chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên cơ sở; .v.v.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh nhà đã đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa, con người, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra và làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung tỉnh nhà cần tiếp tục thực hiện đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyên hóa” trong nội bộ. Tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, phát triển văn hóa. Tiếp tục nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các thiết chế văn hóa, thông tin, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Hoàn thiện các qui định để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử, văn hóa kết hợp với phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

XUÂN ĐÀI

Tin liên quan