TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH !
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 30/05/2022 - Lượt xem: 529
Hưng Yên dự hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022

Ngày 29.5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 với điểm cầu chính tại tỉnh Sơn La được kết  nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.  Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Sơn La. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Quách Thị Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…
 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên 

 

Tại hội nghị, đã có 14 câu hỏi được đại diện nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước trực tiếp đặt ra để đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đến trước thời điểm diễn ra hội nghị đối thoại, Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi của nông dân cả nước gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại. Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Một là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hai là, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp khó khăn, thậm chí đứt gãy. Ba là, cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng, trong đó đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức “gia công trong nông nghiệp” đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản tăng cao nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, xuất khẩu chủ yếu là tiểu ngạch, lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao. Sáu là, hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo đảm cho sản xuất hàng hóa không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương. Bảy là, chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất đã có hơn 10 năm nhưng vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp. Tám là, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp rất khó khăn vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài. Chín là, nông nghiệp Việt Nam chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi nên cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực. 


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản theo tinh thần "ly nông không ly hương". Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Các bộ ngành, cơ quan, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…


Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong khuôn khổ thời gian đối thoại có hạn, còn nhiều vấn đề chưa được nêu ra và thảo luận tại hội nghị, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân…


Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại Thủ tướng Chính phủ với nông dân; đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân trong tỉnh vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài…

Nguồn: baohungyen.vn

Tin liên quan