TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ! ĐOÀN KẾT - DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG - SÁNG TẠO - PHÁT TRIỂN ! - NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN PHÙ CỪ LẦN THỨ XXVII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LẦN THỨ XX, NHIỆM KỲ 2025-2030 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG !
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 29/12/2016 - Lượt xem: 1739
Hưng Yên tiếp nhận hơn 800 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B

Vừa qua, tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước diễn ra Lễ bàn giao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B cho các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa trong đó tỉnh Hưng Yên có hơn 800 hồ sơ, kỷ vật.

Theo thống kê, trong những năm qua, hơn 50.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trên khắp cả nước trong đó có hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Hưng Yên đã và đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
 
Thực hiện nhiệm vụ chính trị và trên hết là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối với những người có công với đất nước, năm 2016, Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thực hiện việc tra cứu, tìm, đối chiếu tên tuổi, bí danh, quê quán, cơ quan làm việc, thống nhất danh sách những cán bộ đi B có hồ sơ, kỷ vật lưu trữ tại Trung tâm để thống kê, sao chụp và tiến hành các bước bàn giao.
 
Những hồ sơ, kỷ vật gợi nhớ lại một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một thế hệ những người con Hưng Yên là những giáo viên, bác sỹ, kỹ sư... xung phong tình nguyện vào Nam công tác, chiến đấu. Khi đi, toàn bộ tư trang, giấy tờ, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại, chỉ mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp đồng thời sử dụng bí danh rồi âm thầm trở vào miền Nam theo con đường dân sự. Nhiều người đã hy sinh thầm lặng thành những liệt sỹ vô danh để đổi lại hòa bình cho đất nước.
 
Số hồ sơ, kỷ vật hiện nay thường có 2 phần: Hồ sơ và kỷ vật. Phần hồ sơ thường gồm lý lịch cán bộ, giấy tờ chuyển sinh hoạt, quyết định điều động đi B, chứng minh thư, thẻ đảng viên, thẻ đoàn viên... Còn phần kỷ vật gồm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, thư từ, ảnh, nhật ký... Xúc động nhất là những trang Quyết tâm thư, Đơn tình nguyện của các cán bộ, trí thức chiến sỹ xung phong, tình nguyện vào Nam công tác, chiến đấu.
 
Hồ sơ cán bộ đi B là những tư liệu quý giá, góp phần thể hiện chân thực, sinh động những đóng góp của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là kỷ vật thiêng liêng của mỗi cá nhân, gia đình có cán bộ đi B; là những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến. Đây cũng là bằng chứng sinh động để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ...
 
Để phát huy giá trị của các hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cũng như từng bước thực hiện việc trao trả hồ sơ, kỷ vật đến tận tay cán bộ đi B và thân nhân, gia đình của họ, sau khi tiếp nhận, Chi cục Văn thư – Lưu trữ đã giao cho Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh tham mưu các bước triển khai, trước mắt là việc đối chiếu giữa danh sách cán bộ đi B của tỉnh Hưng Yên với hồ sơ nhận đợt I tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; báo cáo, lập kế hoạch kinh phí chỉnh lý hồ sơ cán bộ đi B theo địa giới hành chính xã, phường, huyện, thành phố kèm theo mục lục hồ sơ; lập kế hoạch số hóa và đưa hồ sơ vào quản lý trên phần mềm để thuận tiện cho việc tra cứu.
 
Trong thời gian tới Trung tâm Lưu trữ Lịch sử thuộc Chi cục Văn thư – Lưu trữ tập trung phân loại chi tiết hồ sơ theo đúng quy định và theo từng địa phương để dễ quản lý và tra cứu, sau đó cần tích cực phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn chỉnh thông tin hồ sơ, phối hợp tuyên truyền thông tin rộng rãi đến các đối tượng, lập kế hoạch thực hiện việc trao trả hồ sơ, kỷ vật đến tận tay cán bộ đi B cũng như thân nhân và gia đình.
 
Trương Văn Toàn
   
Tin liên quan