TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH !
Hoạt động cấp ủy
Đăng ngày: 09/09/2014 - Lượt xem: 2959
Khúc tráng ca bên bờ sông Luộc

Một ngày tháng 7/2014, tháng cả dân tộc tri ân người có công với nước, chúng tôi tìm về thôn La Tiến (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), nơi đây có Đền thờ La Tiến bên bờ con sông Luộc nổi tiếng, ghi dấu một thời kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược.

Đón tiếp chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Phù Cừ cho biết: Vì là vùng đất trong những năm kháng chiến có nhiều trận đánh lớn, chiến sỹ và đồng bào ta chịu nhiều mất mát hy sinh, nên cứ hàng năm đến dịp này là có rất nhiều đoàn cán bộ, nhân dân các địa phương đến thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn, đặc biệt là đến Đền thờ La Tiến, nơi thờ tự, hương khói cho 1.145 cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta hy sinh trong suốt thời kỳ kháng chiến. Ngay trong ngày hôm nay sẽ có đoàn của Báo Công an Nhân dân, đoàn bác sỹ là những người con quê hương quê của Phù Cừ, cùng đoàn doanh nhân trong tỉnh về thăm viếng và có các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương...

Trên đường từ huyện xuống thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, chúng tôi được các đồng chí Trần Xuân Vui - Chánh Văn phòng Huyện ủy, Nguyễn Văn An - Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội UBND huyện giới thiệu tận tình về những đổi thay của vùng đất nghèo khó thuần nông, vốn quanh năm úng lụt và khô hạn, nhưng đã vượt lên những hạn chế, nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, ngày càng thoát nghèo và cải thiện đời sống. Ngắm nhìn những vườn nhãn Hưng Yên nổi tiếng chạy dài dọc bờ con kênh đào thủy lợi thẳng tắp, đầy ắp dòng nước trong xanh tưới tiêu cho những cánh đồng lúa đang thời con gái, chúng tôi càng hiểu thêm những khó khăn và sự nỗ lực của bà con nơi đây để giành lấy một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đền thờ La Tiến trầm mặc nằm ngay sát bờ con sông Luộc, dưới tán lá cây đa cổ thụ xum xuê tỏa bóng. Đứng nơi đây có thể phóng mắt nhìn bao quát cả một đoạn sông rộng mênh mông. Sông vẫn thế từ bao nhiêu năm trước, dòng nước vẫn cuồn cuộn chảy, như thủa nào đêm đêm đưa thuyền của các chiến sỹ C24 - Đại đội bộ đội địa phương Phù Cừ - vào những trận công đồn, đánh cho quân giặc kinh hồn bạt vía...

 

Đền thờ La Tiến


Đứng trước đài liệt sỹ cao vút, ghi dòng chữ: “Nơi đây khu vực Cây đa La Tiến, những năm 1950 - 1954, kẻ thù đã giết hại 1.145 chiến sỹ, đồng bào yêu nước. Trong đó có 121 cán bộ, chiến sỹ nhân dân xã Yên Hòa, huyện Phù Cừ...”, cùng với các đồng nghiệp Báo Công an Nhân dân, chúng tôi thắp nén tâm hương, thành kính dâng lên đài liệt sỹ và bồi hồi tưởng niệm đến những tấm gương trung liệt của bao bậc cha anh đã bỏ mình vì nước.

Vào thăm viếng đền thờ, bên cạnh niềm thương tiếc và biết ơn, chúng tôi ai nấy đều dấy lên niềm tự hào khi đọc hai câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu, nhân một dịp ông về thăm viếng nơi đây, đã được khắc ghi trên hai tấm hoành phi lớn đặt tại trung tâm đền:

“Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận

Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh”

 

Đại tá Phạm Quang Minh tại đền thờ La Tiến.

Thật may mắn khi chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với một “chứng nhân lịch sử” của vùng đất này. Đó là đại tá Phạm Quang Minh, nguyên tổ trưởng tổ “Tam tam chế”, thuộc A1, B22, C24 bộ đội địa phương huyện Phù Cừ, người đã trực tiếp tham gia đánh bốt La Tiến đêm 31/3/1954, mà lực lượng tham gia trận đánh bao gồm toàn Đại đội 24 và Trung đoàn 42 bộ đội chủ lực. Ngồi tâm sự với chúng tôi trên một rễ cây xù xì của gốc đa cổ thụ bên đền thờ rêu phong, dường như tâm trí của vị đại tá già bỗng sống lại cái thời oanh liệt mà bi tráng. Câu chuyện của ông đưa chúng tôi về những năm kháng chiến, bắt đầu từ ngày 22/12/1949, khi giặc Pháp bắt đầu đổ quân đóng bốt dày đặc nơi đây, làm căn cứ để tổ chức các cuộc càn quét đi khắp các tỉnh Bắc Bộ của ta. Để làm suy yếu kẻ thù ngay tại hang ổ, ngay từ đầu, bộ đội chủ lực, địa phương, du kích và nhân dân trong vùng đã liên tục bám giặc mà đánh, tạo cho chúng những tổn thất to lớn. Vì vậy, giặc đã điên cuồng càn quét, tàn sát đồng bào chiến sỹ ta. Đã có tất cả 1.145 chiến sỹ, đồng bào yêu nước ngã xuống tại nơi đây. Cuối cùng, ta đã quyết định xóa sổ căn cứ này. Đêm 31/3/1954, chiến sỹ và nhân dân ta đã tổ chức công đồn, xóa sổ hoàn toàn bốt La Tiến và các căn cứ địch trong vùng. Để ghi lại công ơn của chiến sỹ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, ngày 26/10/2009, Đền thờ Cây đa La Tiến được khởi công xây dựng. Đúng ngày giỗ tổ Vua Hùng 10/3/2010, đền được hoàn thành. Từ đó mỗi dịp hàng năm vào tháng 7, nhân dân trong vùng và cả nước lại tụ hội về đây để tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ...

Sau chiến tranh, khắp vùng hai bên bờ sông Luộc là cảnh hoang tàn. Trên đống tro tàn, chính quyền và nhân dân xã Nguyên Hòa đã từng bước xây dựng lại quê hương, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng bộ và chính quyền huyện Phù Cừ, xã Nguyên Hòa đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, ra sức phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thách thức, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều thành tích bước đầu đáng ghi nhận.

Làm việc với các đồng chí lãnh đạo UBND xã Nguyên Hòa, chúng tôi được biết, Nguyên Hòa giờ đây đã có nhiều đổi thay. Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, xã hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đặt ra. Công cuộc xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, người có công luôn được địa phương coi trọng và quan tâm, bên cạnh đó địa phương luôn chú trọng giáo dục thế hệ trẻ noi gương các anh hùng liệt sỹ, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

 Đoàn cán bộ, doanh nghiệp tặng quà cho người có công 
trên địa bàn xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ.


Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phù Cừ cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, trong đó kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phát triển văn hóa-xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể đạt được nhiều kết quả quan, góp phần xây dựng quê hương Phù Cừ ngày càng khởi sắc.

Tạm biệt quê hương La Tiến, tạm biệt mảnh đất Phù Cừ mến khách, chúng tôi cùng đi với đoàn bác sỹ, những người con của quê hương Phù Cừ thăm và khám bệnh cho các đồng chí thương binh thời kỳ chống Pháp: Trần Đăng Nga, quê xóm 4, thôn Đình Cao, xã Nguyên Hòa và Phạm Đức Cận, thôn Viên Quang, xã Quang Hưng. Chứng kiến cảnh các bác sỹ xúc động cầm tay những đồng chí thương binh, xem xét những vết thương qua bao nhiêu năm khi trái gió trở trời vẫn còn đau buốt của các anh, chúng tôi càng thêm hiểu nghị lực kiên cường, vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống, tiếp tục làm việc vì người thân, tiếp tục góp phần xây dựng cho quê hương của các anh. Chính những người như các anh đang là niềm tự hào, là động lực để toàn Đảng, toàn dân ta không ngừng phấn đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày thêm giàu đẹp./.

Các từ khóa theo tin:

Bài, ảnh: Đào Nguyên Lan
Tin liên quan