Vụ vải năm nay, trong số nhiều giống vải chín sớm đang được trồng tại Phù Cừ thì giống vải u trứng cho chất lượng quả và giá bán cao hơn cả. Chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) - một nông dân được nhiều người biết đến vì sở hữu cây vải u trứng lâu đời trên địa bàn tỉnh.
|
Với chất lượng và mẫu mã vượt trội, vải u trứng của gia đình ông Vì có giá bán 50.000 đồng/kg |
Nâng trên tay chùm vải trĩu quả, chín đỏ, ông Nguyễn Văn Vì kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của cây vải u trứng trên 100 tuổi ông đang sở hữu. Theo lời ông kể, cách đây trên 100 năm, cụ Nguyễn Văn Ngự (là ông nội ông Vì) đã mang một cây vải u trứng về trồng trước cổng nhà. Cây vải hợp thổ nhưỡng, cho quả to, mã đẹp, vị ngon ngọt đặc biệt khác hẳn các loại vải người dân trong vùng vẫn trồng.
Từ cây vải này, bố của ông Vì là cụ Nguyễn Văn Diệm cũng đã nhân giống trồng 3 cây trong vườn đến nay đều đã hơn 60 năm. Năm 1994, ông Vì tiếp tục nhân giống hơn 40 cây vải u trứng bằng cách chiết cành từ cây vài trên 100 tuổi để trồng trong vườn nhà và ngoài ruộng. Thấy giống vải quý, nhiều người dân trong vùng đã đến nhà ông xin nhân giống về trồng. Cây vải u trứng trồng từ cành chiết sẽ cho thu quả sau khi trồng khoảng 5 năm.
Ông Vì cho biết thêm: "Vải u trứng thường thu hoạch sau vải lai u từ 7 – 10 ngày và thu hoạch trước vải thiều. Ưu điểm của giống vải u trứng là vỏ đỏ rực đẹp mắt, vị ngọt đậm rất ngon, quả đều, nếu sàng lọc thì chỉ khoảng 18 - 20 quả được 1 kg (vải lai u thông thường phải từ 28 - 30 quả được 1kg), để lâu không bị xuống mã, càng để vải càng ngọt chứ không bị thối đầu.
Tuy nhiên, đây là loại cây “khó tính”, khó đậu quả. Những năm trước, tỷ lệ đậu quả của cây vải u trứng chỉ đạt trung bình từ 30 - 40%, Ngay như năm nay được đánh giá là thời tiết rất thuận lợi cho các trà vải sớm ra hoa, đậu quả thì tỷ lệ đậu quả của cây vải u trứng ở gia đinh ông Vì cũng chỉ đạt khoảng 50%. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Vì còn chăm sóc cây vải u trứng bằng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, ông tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly thuốc bảo vệ thực vật từ 15 - 20 ngày trước khi thu hoạch quả.
Với chất lượng và mẫu mã vượt trội, vải u trứng của gia đình ông Vì ít khi được bán ra thị trường bởi năm nào khách quen cũng đặt hết mua để ăn, mua làm quà biếu từ khi quả chưa chín, nhiều năm sản lượng vải không đủ để bán cho khách quen. Cũng vì thế mà giá vải u trứng bán tại vườn nhà ông Vì luôn cao hơn so với giá bán các loại vải khác cùng thời điểm.
Năm nay, vườn vải u trứng của gia đình ông Vì được mùa, ước thu trên 2 tấn quả. Riêng cây vải u trứng 100 tuổi của gia đình ông Vì năm nay cũng cho thu hoạch trên 1 tạ quả. Giá bán vải tại vườn hiện nay của gia đình ông Vì là 50.000 đồng/kg, riêng vải quả của cây trên 100 năm có giá bán 70.000 đồng/kg, vụ vải năm nay, ông Vì ước thu trên 100 triệu đồng từ vải u trứng.
Tuy chất lượng ngon, giá cao, tiêu thụ thuận lợi, nhưng đến nay chưa được nhận rộng bởi đây là cây vải “khó tính”, phải chăm sóc nhiều. Do đó, từ giá trị kinh tế cũng như giữ gìn một loại cây đặc sản, các ngành cần sớm có phương án qui hoạch, bảo tồn giống vải u trứng này, đồng thời mở rộng diện tích vải u trứng ở những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp, từng bước xây dựng thương hiệu cho giống vải quí này.