Từ cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ tự hào là địa phương giành chính quyền sớm nhất nước (14-8-1945), trước Tuyên Quang, Quảng Nam 3 ngày, trước thị xã Hưng Yên 8 ngày, trước thủ đô Hà Nội 5 ngày, góp phần cùng nhân dân cả nước phá tan mắt xích của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, giương cao ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta đã nhiều lần phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược hung bạo và cường thịnh. Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam, trong những cuộc chiến đấu đó, vấn đề nắm thời cơ chiến đấu luôn được ông cha ta nắm bắt, khai thác và sử dụng một cách triệt để.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc Tổng khởi nghĩa của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày. Trong đó, nắm bắt thời cơ để hành động là một nhân tố hết sức quan trọng để tạo nên thắng lợi. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời cơ: “ngàn năm có một”, được dân tộc ta bắt mạch và sử dụng với một quyết tâm rất cao: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù có phải hi sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (Hồ Chí Minh).
Cách mạng Tháng Tám diễn ra và giành thắng lợi trong vòng 15 ngày, nhưng là kết quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ lúc Đảng ra đời ngày 3-2-1930 với đường lối cách mạng đúng đắn, soi đường chỉ lối cho cách mạng, cho nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng diễn tập lần thứ nhất thời kỳ 1930 - 1931, lần thứ hai 1932 - 1935, lần thứ ba 1936 - 1939 và tiêu biểu nhất là Cao trào kháng Nhật cứu nước 1939 - 1945, với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tại hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5 - 1941) đã đặt nhiệm vụ: “Giải phóng dân tộc lên hàng đầu”, chủ trương khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang của ta không ngừng lớn mạnh, với các hình thức đấu tranh phong phú, quyết liệt. Cho đến đầu năm 1945, tình thế cách mạng xuất hiện với không khí Tiền khởi nghĩa, quần chúng nhân dân đã sẵn sàng, chỉ chờ có cơ hội là đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa.
Từ đầu năm 1945 trở đi, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn quyết định, số phận của bọn phát xít đã đến ngày định đoạt. Tháng 5-1945, phát xít Đức đã bị Hồng Quân Liên Xô tiêu diệt tại sào huyệt của chúng. Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Hồng Quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân này, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện.
Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, liền ra "Quân lệnh số 1" hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”. Từ nhận định đó, Hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Anh, quân Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng, điều quân vào xâm lược nước ta lần nữa.
Ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, trước tình hình như vậy và qua thực tiễn đưa quần chúng vào đấu tranh giành thắng lợi, các phong trào chống thuế diễn ra ở Phù Cừ lan rộng khắp tỉnh đã đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Việt Minh Phù Cừ và có phương pháp đấu tranh thích hợp, trực diện với chính quyền thực dân - phong kiến, đẩy cao trào kháng Nhật cứu nước lên bước phát triển cao hơn - tịch thu thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân. Khẩu hiệu “Tịch thu thóc của Nhật để cứu đói” đáp ứng nguyện vọng của toàn dân được nhân dân hưởng ứng, khí thế cách mạng ngày càng sục sôi, đón chờ ngày khởi nghĩa.
Chuẩn bị cho khởi nghĩa, chi bộ Đảng thực hiện sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên. Chi bộ lúc này có 3 đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn huyện. Đồng thời, thông qua hai hội viên Cứu quốc là đồng chí Vạn Quốc và Nguyễn Hữu Nghị nắm chắc tình hình địch, các đồng chí liên hệ trực tiếp với đồng chí Lương Phần - Bí thư chi bộ và nói rõ lính Nhật đã chuyển về Hưng Yên, ở đó chỉ còn lại khoảng ngót 60 lính cơ. Mặt khác, chúng mới chuyển về hơn 20 vạn đồng (tiền Đông Dương) để tiếp tục vét thóc trong dân. Trước tình hình đó, chi bộ Đảng có chủ trương: Đây là thời cơ khởi nghĩa (lúc đó gọi là cướp huyện), nếu chậm trễ thì nguy hại hơn, vì chúng vét hết thóc, dân sẽ chết đói nhiều. Do đó, chúng ta phải khẩn trương giành chính quyền.
Tối 13-8-1945, chi bộ Đảng tổ chức hội nghị (1) các lực lượng Việt Minh huyện tại nhà cụ Vương Văn Cân thôn Đông Cáp, dưới sự chủ trì của đồng chí Lương Phần - Bí thư chi bộ Đảng. Hội nghị bàn 3 vấn đề chính: (1) Khó khăn nhất là phải có súng để áp đảo kẻ thù, vấn đề này giao cho tự vệ Đoàn Đào và ông Nguyễn Hữu Nghị chịu trách nhiệm, có thể tranh thủ Nghị Tạo. Đồng thời giao nhiệm vụ cho ông Vạn Quốc tiếp tục nắm tình hình địch. (2) Huy động lực lượng, chủ yếu lấy những đội tự vệ mạnh của làng có phong trào Việt Minh mạnh. (3) Thời điểm tấn công vào huyện đường là rạng sáng ngày 14-8-1945 (tức ngày 7 - 7 âm lịch, trúng phiên chợ Cáp). Tất cả các bộ phận được giao nhiệm vụ phải tích cực thực hiện và tuyệt đối giữ bí mật.
Như kế hoạch đã định, Việt Minh huy động lực lượng với tổng số khoảng 50 người, vũ khí có hai súng chim, một súng Mút - Cô - Tông, một súng lục, còn lại là giáo, mác và các thứ vũ khí thô sơ khác được tập trung đầy đủ để nhận lệnh tấn công đánh vào huyện đường. Tại đây, đồng chí Lương Phần đã chia lực lượng làm 2 bộ phận chính: Bộ phận thứ nhất: Vào dưới ánh đèn gác, dù nó có bắn cũng hạn chế hơn, do ông Nguyễn Hữu Nghị chỉ huy. Bộ phận thứ hai: Bao gồm cổng đường, lấy cổng chắn, nếu địch bắn cũng không việc gì, do ông Vạn Quốc chỉ huy.
Khi hai bộ phận tiến sát huyện đường, đồng chí Lương Phần gặp được ông Tài là nhân mối của ta (ở trong huyện đường) thấy Việt Minh ít súng ông ta nghi ngại, hẹn đến giờ đổi gác sẽ vào. Nhưng không được, không thể chậm trễ, sẽ thất bại lớn. Thấy vậy, đồng chí Lương Phần kiên quyết, nói gay gắt: "Anh phải đưa vào, nếu không, chúng tôi sẽ trói anh lại!” Trước sự kiên quyết đó, ông Tài phải chấp thuận, hai bộ phận tiến vào. Nhanh như cắt, ông Nghị xông lên kêu gọi binh lính đầu hàng và hô lớn: Súng máy Hải Dương, đại liên Bắc Giang bắn! Liền sau đó, hai bên đều nổ súng. Sau đó, Việt Minh kêu gọi binh lính địch ngừng nổ súng sẽ tha cho về! Lập tức súng nổ thưa đần, rồi ngừng hẳn. Bộ phận đánh vào trại lính, dùng búa chim không cậy được cửa, thấy động quân địch mở cửa, ta hô to: "Giơ tay lên sẽ tha cho về!", rồi chúng làm theo yêu cầu của ta. Nhiều tên nộp súng cho cách mạng rồi ra hàng...
Bộ phận do ông Vạn Quốc chỉ huy xông vào huyện đường tịch thu đồng triện, thu tài liệu sổ sách đốt ngay giữa công đường, phá két bạc thu 12 vạn đồng (tiền Đông Dương toàn loại 300 đồng) và một máy chữ. Bộ phận của ông Nguyễn Hữu Nghị chỉ huy đánh thẳng vào trại lính, thu được 32 súng trường và một số đạn dược. Sau đó, Việt Minh huyện tập trung binh lính lại nói rõ lệnh khoan hồng của cách mạng, tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, rồi phóng thích cho về quê cũ làm ăn.
Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở huyện Phù Cừ giành thắng lợi, lực lượng Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân - phong kiến từ huyện đến tổng - xã và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Lúc này, do chưa nhận được chỉ thị của tỉnh, nên chưa thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, nhưng thực chất chính quyền đã về tay nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng.
Trải qua 69 năm đấu tranh cách mạng (1945 - 2014), Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ cùng với quân dân trong tỉnh và cả nước đã vượt qua bao gian lao thử thách đi tới đài vinh quang chiến thắng. Từ việc vận dụng thời cơ và nắm được chủ trương của Trung ương, của tỉnh, Chi bộ Đảng và lực lượng Việt Minh Phù Cừ đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền với tổn thất ít nhất, hạn chế việc đổ máu. Từ cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ tự hào là địa phương giành chính quyền sớm nhất nước (14-8-1945), trước Tuyên Quang, Quảng Nam 3 ngày, trước thị xã Hưng Yên 8 ngày, trước thủ đô Hà Nội 5 ngày, góp phần cùng nhân dân cả nước phá tan mắt xích của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, giương cao ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Vũ Văn Thiện
(1) Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Phù Cừ, tập I (1938-1975)