Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi, tư tưởng đó đã thể hiện một tầm nhìn vượt thời đại, phản ánh những vấn đề cấp thiết về giáo dục mà hiện nay chúng ta vẫn đang phải tập trung giải quyết để phát triển nền giáo dục Việt Nam, sao cho nhanh chóng sánh kịp sự phát triển về giáo dục của các nước trong khu vực và thế giới.
Về vị trí, vai trò của giáo dục
Hồ Chí Minh rất coi trọng vị trí, vai trò của giáo dục, Người khẳng định: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá...”. Sự nghiệp “trồng người” có vai trò quyết định sống còn, hưng thịnh đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, phải ưu tiên đặc biệt cho giáo dục, phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ. Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào thể hệ trẻ, những người được học tập, giáo dục theo một tư tưởng giáo dục của xã hội mới. Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Mục tiêu của giáo dục
Trong nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh đặt ra rất nhiều mục tiêu. Nhưng, xét cho đến cùng thì tất cả đều là xoay quanh vấn đề con người, hướng tới con người, tất cả vì con người và do con người, con người phải được phát triển toàn diện. Việc phát triển con người toàn diện không chỉ vì mục đích tạo ra nguồn lực dồi dào, mạnh mẽ để phát triển đất nước, mà còn là vấn đề đảm bảo quyền con người, đảm bảo các giá trị làm người, hướng tới một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” - con người với tư cách là mục tiêu cho sự phát triển. Vì thế, ngay sau khi nước ta giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã chú ý đặc biệt đến vấn đề “diệt giặc dốt” để nâng cao dân trí.
Quan điểm giáo dục toàn diện trong tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi về chất so với tư tưởng giáo dục của Nho học trước kia. Giờ đây, không phải chỉ học kinh sách thánh hiền một cách máy móc nữa, không phải chỉ học để tạo mẫu người quân tử, học để làm quan... mà học để nâng cao trình độ học vấn, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, lịch sử, văn hóa, tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ đem lại cho người dân có kiến thức mới về mọi mặt để làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước. Vì thế, việc phát triển giáo dục toàn diện trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là bước tiến dài trong lịch sử tư tưởng giáo dục của Việt Nam, tư truyền thống đến hiện đại.
Hạt nhân và cũng là mục tiêu rất quan trọng trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân dân rộng lớn: “Ai cũng được học hành”. Quan điểm này thể hiện tư duy tiến bộ vượt bậc trong giáo dục so với các nền giáo dục trước đó, qua đó cũng cho thấy tính nhân văn, công bằng, dân chủ... vốn là mạch nguồn trong hệ tư tưởng và chi phối toàn bộ những cống hiến của Hồ Chí Minh cho cách mạng.
Ngay từ năm 1943, trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã mang đậm tư duy của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa có hai đặc trưng cơ bản là khoa học và đại chúng hóa. Tính khoa học luôn đi liền với tính đại chúng trong nền giáo dục cách mạng đã thể hiện rõ tư duy lớn của Hồ Chí Minh về việc xây dựng nền văn hóa mang đậm tính đại chúng, dân tộc Việt Nam nhưng chắt lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, những nét tiến bộ của nền giáo dục thế giới. Điều đó cũng cho thấy, nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục mở, sẵn sàng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại để bổ sung, làm giàu cho kho tàng tri thức của người Việt.
Về vai trò, vị trí của người thầy
Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những cống hiến, hy sinh lớn lao mà thầm lặng của những người làm nghề giáo. Người đánh giá: “Anh chị em là những người "vô danh anh hùng". Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. Chính những người vô danh anh hùng ấy đã góp công, góp sức cho sự phát triển và vững mạnh của đất nước, đem ánh sáng văn minh chiếu rọi vào tâm hồn bao thế hệ trẻ của đất nước.
Giáo giục có sức mạnh lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, Người đánh giá rất cao nghề dạy học: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Về phương pháp giáo dục
Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục, bởi nó chính là con đường, cách thức để giáo dục có được kết quả tốt nhất trên thực tế. Theo Người, giáo dục phải khoa học, phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau, không nên nhất nhất chỉ hạn hẹp gò bó trong nhà trường mà phải phát huy mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Với mỗi đối tượng, mỗi cấp học, mỗi lứa tuổi có tâm sinh lý khác nhau, vì thế người thầy cần phải có những phương pháp giáo dục phù hợp…
Điều đặc biệt trong phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh là từ rất sớm, Người đã đưa ra những quan niệm rất mới, rất hiện đại về cách học, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Một là, phải biết tự giác học tập “lấy tự giác làm cốt”. Với quan điểm này, Hồ Chí Minh đã chủ trương lấy người học làm trung tâm, nghĩa là người học phải biết tự giác, tự động học tập và nghiên cứu; sau đó tiến hành thảo luận tập thể, rồi kết hợp với bổ sung, nâng cao thêm của giảng viên mà hoàn thiện nhận thức của mình. Đây là cách học phổ biến, có nhiều ưu điểm, hiện nay đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Hai là, “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách... Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều” . Ở đây, Người nhấn mạnh tới việc rèn luện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của người học, tránh lối học kinh viện, máy móc đã trở thành lối mòn trong phương pháp giáo dục của Nho học bấy lâu nay.
Ba là, liên tục phải học tập, trau rồi kiến thức: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi” . Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhở người khác về phương pháp và tinh thần học tập suốt đời, mà còn đồng thời tự nêu tấm gương tự học của bản thân: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học” . Tư tưởng giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO đến năm 1996 mới đề ra khẩu hiệu “học suốt đời”. Như vậy, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” sớm hơn UNESCO 35 năm. So sánh như vậy để thấy, nhiều nội dung trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh vẫn đang rất cập nhật, hiện đại và còn nguyên giá trị và tính thời sự của nó. Điều đó đã cho thấy tư duy, tầm nhìn vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục của Người.
Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Bốn trụ cột này có thể được xem như là chân lý, tư tưởng giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, điều này đã được Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”. Điều đó đã cho thấy tầm nhìn và sự tiến bộ vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh vào việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.
Nguồn: baohungyen.vn