Chiều 27-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 (ảnh: Trần Hải)
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tin vui là tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách T.Ư đạt kết quả đáng mừng. Chưa bao giờ, chúng ta xuất siêu đạt giá trị hơn 7 tỷ USD như năm nay. Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với chỉ số lạm phát; tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm; số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm.
Điểm lại một số nét chính về kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, bức tranh toàn cảnh, đầy đủ hơn sẽ được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 28-12. Bên cạnh ưu điểm, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cũng phải phê bình và tự phê bình trong hệ thống. Theo đó, Thủ tướng nêu lại một số tồn tại, bất cập trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII vừa bế mạc. Đó là chỉ đạo thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều vướng mắc song chưa được tháo gỡ khắc phục. Kinh tế tư nhân (KTTN) tuy có bước phát triển đáng mừng, đã xuất hiện một số DN ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế… Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc nhất là một số lĩnh vực liên quan người dân.
Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 (ảnh: Trần Hải)
Tại phiên họp thường kỳ này, Chính phủ nghe, thảo luận các báo cáo về đề nghị xây dựng một số dự án Luật: Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đề nghị xây dựng Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, báo cáo về thời hạn thực hiện quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Chính phủ cũng nghe, thảo luận về một số báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện ba Nghị quyết của Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05), hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN (Nghị quyết 11), phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN (Nghị quyết 10) và Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.
Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần thực hiện quyết liệt hơn nữa chương trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đi liền với đó là kiểm tra, đôn đốc. Về thực hiện Nghị quyết 11, theo Thủ tướng, KTTT định hướng XHCN là một khái niệm đặc trưng của Việt Nam đã được nghiên cứu, hình thành, phát triển tốt thời gian qua nhưng các loại thị trường chưa phát triển đồng bộ. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, hình thành, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường rất quan trọng mà trong điều hành thì quán triệt tinh thần KTTT định hướng XHCN, quy luật giá trị. Về thực hiện Nghị quyết 10, Thủ tướng lưu ý, một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy DN tư nhân. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển KTTN. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để KTTN phát triển. Thủ tướng cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển KTTN, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh, ba Nghị quyết trên rất quan trọng, tạo nền tảng cho chúng ta thành công thời gian tới.