Ngày 20-2, tại TP HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Lòng dân là thước đo các chủ trương, chính sách
Phát biểu tổng kết hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết hội thảo lần này chủ yếu lắng nghe ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh các tài liệu báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Trung ương để tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23.
"Trên cơ sở tổng kết sẽ ban hành chủ trương mới về vấn đề này. Chủ trương mới thế nào, hình thức ra sao sẽ tùy thuộc vào chất liệu tổng kết, đánh giá"- ông Võ Văn Thưởng nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Mọi chủ trương, đường lối quyết sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lòng dân"
Tiếp thu các ý kiến phát biểu, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là việc lâu dài, thường xuyên và có ý nghĩa chiến lược. Trong từng thời kỳ, từng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, chúng ta cần nhấn mạnh, đề cao vấn đề gì để lấy đó làm trung tâm đoàn kết toàn dân.
"Tôi nghĩ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, đảm bảo lợi ích cao nhất của dân tộc; phát huy tinh thần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao năm 2045 là điểm chung nhất, điểm tương đồng để dựa vào đó đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân người Việt Nam trong và ngoài nước"- ông Võ Văn Thưởng chia sẻ.
Theo Thường trực Ban Bí thư, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khẳng định một nguyên tắc Đảng ta ngoài lợi ích nhân dân thì không còn lợi ích nào khác.
"Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách. Lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất về chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước"- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh và cho rằng giai đoạn mới cần phải nhấn mạnh vấn đề này.
Dẫn chứng câu chuyện đất đai, ông Thường trực Ban Bí thư cho biết có 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến vấn đề này, các vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật cán bộ cũng liên quan đất đai.
Do đó, trong lần sửa đổi, bổ sung này, ít nhất về mặt chính trị, việc sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai phải giảm được những yếu tố đó. Phải làm sao mọi chủ trương, đường lối quyết sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lòng dân.
Tránh thói hư, tật xấu trong Đảng
Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư cho biết cần tập trung xây dựng tổ chức mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng để giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị của Đảng ngày càng vững mạnh.
"Thời gian qua, người được đưa về mặt trận, dân vận, đoàn thể phải là những cán bộ có uy tín, thật sự có khả năng vận động, tập hợp, trở thành trung tâm đoàn kết cho tổ chức và các giai tầng trong lĩnh vực đó"- ông Võ Văn Thưởng nói.
Đại biểu trao đổi tại hội thảo
Ông Võ Văn Thưởng khẳng định để xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tránh thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội.
Đồng thời không ngừng nâng tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền, đưa đất nước vững vàng tiến lên.
"Thời gian qua, điều này ngày càng được khẳng định rõ nét. Chúng ta nói xây dựng Đảng là then chốt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, cần phải tiếp tục làm mạnh mẽ hơn thời gian tới"- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Xây dựng đội ngũ cán bộ "lo trước cái lo của dân"
Một vấn đề khác được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh là cần xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu.
Theo ông Võ Văn Thưởng, nói như nghị quyết là đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ nhưng nói một cách bình dân, gần gũi như Bác Hồ thì cán bộ phải gương mẫu, phải đi trước để làng nước theo sau. Phải biết lo trước cái lo của người dân, vui sau cái vui của người dân...