Về khái niệm và nội hàm của hội nhập quốc tế, hiện có nhiều cách tiếp cận. Nước ta hội nhập quốc tế ban đầu từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, có quan hệ quốc tế chủ yếu với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, cách tiếp cận coi hội nhập là quá trình tương thích hóa luật lệ của nước ta với luật lệ chung của cộng đồng quốc tế là cách phù hợp nhất. Theo đó, hội nhập quốc tế là quá trình chủ động chấp nhận, áp dụng và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Trong khái niệm này, luật lệ và chuẩn mực quốc tế là các quy tắc, luật lệ, tập quán và tiêu chuẩn chung được chấp nhận rộng rãi; mục đích của hội nhập quốc tế là vì lợi ích quốc gia - dân tộc; để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhà nước lựa chọn các luật lệ và chuẩn mực phù hợp với mục tiêu và khả năng của mình trong từng giai đoạn phát triển để áp dụng theo các nguyên tắc nhất định và với một lộ trình phù hợp. Về hình thức, hội nhập quốc tế bao gồm các hoạt động: thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế chung; gia nhập các tổ chức quốc tế, áp dụng và tham gia xây dựng chuẩn mực của các tổ chức đó; tự nguyện tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Quá trình hội nhập diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đến các lĩnh vực khác. Kinh tế thường là lĩnh vực đi đầu và là cơ sở vững chắc cho hội nhập trong các lĩnh vực khác, đồng thời, hội nhập trong các lĩnh vực cũng tạo ra một môi trường thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Về chủ thể, cả Nhà nước và các chủ thể phi nhà nước đều tham gia vào quá trình hội nhập. Trong các lĩnh vực chính trị và quốc phòng, an ninh, chủ thể chính là Nhà nước. Trong kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có vai trò quan trọng.
Quá trình hội nhập của nước ta đã bắt đầu từ lâu. Nhưng nếu xét theo các tiêu chí của hội nhập quốc tế hiện nay, có thể nói, quá trình đổi mới tư duy về hội nhập quốc tế của Đảng ta phát triển song song với sự nghiệp đổi mới được Đại hội VI (12-1986) khởi xướng. Cho đến Đại hội VII (6-1991), khái niệm hội nhập chưa xuất hiện trong các văn kiện của Đảng ta, nhưng nhận thức của Đảng ta về quá trình "quốc tế hóa" đã tạo tiền đề quan trọng để phát triển tư duy về hội nhập quốc tế. Thực tế, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta bắt đầu được triển khai thông qua việc bình thường hóa và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Ixraen,... và các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tháng 10-1993. Thuật ngữ hội nhập bắt đầu được đề cập lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (6-1996): "Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới,..."[1]. Trong giai đoạn này, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh với việc gia nhập ASEAN (1995), ký Hiệp định hợp tác khung Việt Nam - Ủy ban châu Âu dựa theo các chuẩn mực quốc tế (1995), gia nhập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Cũng trong giai đoạn này, nước ta đã nộp đơn xin gia nhập WTO (1995). Đến Đại hội IX (4-2001) và tiếp đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 Về hội nhập kinh tế quốc tế, đề ra chín nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc tích cực đàm phán gia nhập WTO. Đại hội X (4-2006) đề ra chủ trương "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác"[2]. Đến Đại hội XI (1-2011), chủ trương của Đảng ta đã có thêm một bước phát triển quan trọng với việc chuyển từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "tích cực và chủ động hội nhập quốc tế". Tháng 4-2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW Về hội nhập quốc tế chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các định hướng triển khai hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực.
Đại hội XII của Đảng đề ra chủ trương "Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế"[3], nêu rõ các quan điểm chỉ đạo và các định hướng lớn của hội nhập quốc tế trong từng lĩnh vực để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Theo đó, trong thời gian tới, hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào việc triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, nhất là đối với các hiệp định khu vực mậu dịch tự do mới ký kết; hội nhập trong lĩnh vực chính trị chú trọng việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa các khuôn khổ đã được xác lập đi vào thực chất; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn; đẩy mạnh hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác.
Nguồn: GS.TS Phùng Hữu Phú - GS.TSKH Nguyễn Văn Đặng – PGS.TS Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB CTQG – Sự thật, Hà Nội, 2016