Thuật ngữ "văn hóa" đã sớm xuất hiện trong ngôn ngữ của loài người, đặc biệt ở các quốc gia được coi là cái nôi của văn minh nhân loại.
Theo Chủ tịch HCM: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở, và các phương thức sử dụng. Tòan bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa"
Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, ông F. Maỷo quan niệm: "Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (cuả các cá nhân và cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thể kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu-những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc"
Như vậy, văn hóa bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm mục đích phục vụ sự tồn tại và phát triển của cộng đồng loài người. Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người tạo ra để phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển của chính con người.
Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai" Nói cách khác, phát triển bền vững phải đảm bảo cho sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội tiến bộ, công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ.
Văn hóa có vai trò như thế nào đối với phát triển kinh tế-xã hội bền vững?
Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, nguyên Tổng giám đốc UNESCO, ông F. Mayo khẳng định hễ quốc gia nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của các nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều.
Từ truyền thống của dân tộc và thực tiễn xây dựng đất nước, từ tinh thần của thời đại, ĐCS VN đã có nhận thức mới về vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Công cuộc đổi mới tư duy, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường đã đem lại cho nước ta nhiều thành quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận đã góp phần làm rối loạn giá trị văn hóa và đạo đức xã hội-một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế phát triển không bền vững và sự xuống cấp của đạo đức, lối sống xã hội.
Từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, vấn đề văn hóa ngày càng được Đảng ta quan tâm. Nhân tố quan trọng này đã từng bước tham gia vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Các văn kiện từ Đại hội VII đến Đại hội XI đã đặc biệt đề cập đến việc phát huy nguồn nội lực, coi đó là cơ sở của sự phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy nội lực được hiểu là phát huy các tiềm năng của con người, của văn hóa dân tộc, coi đó là tài sản quý giá của quốc gia.
Đặc biệt, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. Đại hội XI đồng thời chỉ rõ: phát triển nhanh nguồn nhân lực....tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020) cũng khẳng định định hướng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế.
Những quan điểm chỉ đạo trên cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện trên ba luận điểm dưới đây:
Thứ nhất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội
- Trong thực tiễn, yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần (văn hóa) luôn gắn bó, thâm nhập vào nhau là cơ sở cho sự tồn tại của đời sống xã hội. Yếu tố tinh thần (văn hóa) được hình thành, tích lũy, duy trì bằng truyền thống. Nó là những giá trị tương đối ổn định, có vai trò liên kết cộng đồng, gắn kết cá nhân với cộng đồng, quá khứ với hiện tại và tương lai. Với ý nghĩa trên, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của dân tộc.
- Đề cập đến văn hóa là nói đến các giá trị. Các giá trị văn hóa dân tộc tồn tại khách quan đối với các thế hệ người được sinh ra. Mô thức giá trị và đạo đức kiến tạo ra văn hóa, đó là cách thức để bồi dưỡng tâm hồn và chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và thường xuyên được thẩm định, điều chỉnh và tái khẳng định trở thành truyền thống văn hóa. Chính vì vậy, truyền thống được bảo vệ và trở thành nền tảng cho cộng đồng xã hội.
- Văn hóa dân tộc là cơ sở để lựa chọn mô hình kinh tế-xã hội. Chúng ta chỉ có thể phát triển được và phát triển bền vững trên cơ sở giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Hệ giá trị dân tộc quy định việc lựa chọn mô hình kinh tế-xã hội ở nước ta là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay là hướng tới sự phát triển bền vững đất nước. Nếu kinh tế là cơ sở vật chất của xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa chính là chăm lo vun đắp, xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, làm động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội
Bản chất của văn hóa là sự sáng tạo hướng tới các giá trị nhân văn, tới cái đúng,cái tốt đẹp để thúc đẩy sự tiến bộ của con người và xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế nhân văn, vì sự phát triển bền vững của con người. Ta thấy bản chất của văn hóa thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà chúng ta đang hướng tới.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định văn hóa là một thành tố cơ bản, một mục tiêu quan trọng của xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Cụ thể hơn, Đảng và Nhà nước ta yêu cầu mọi chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội phải vừa chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả văn hóa , thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ mội trường; tránh xu hướng chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ hoặc hy sinh văn hóa, làm tha hóa con người.
Thứ ba, văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển
Vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững được thể hiện qua ba nội dung sau
Một là, mọi hoạt động văn hóa xét cho cùng là đều hướng đến phát triển con người về thể lực, trí tuệ, tình cảm, nâng cao kỹ năng lao động sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh và ý chí cho con người trong hoạt động thực tiễn xã hội.
Hai là, vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội thể hiện ở tác động của môi trường văn hóa đối với quá trình phát triển. Trong quá trình phát triển, đẩy mạnh CNH, HĐH, các hoạt động kinh tế không thể tách rời môi trường văn hóa, xã hội của dân tộc. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh sẽ thu hút dược sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội. Môi trường này chính là bà đỡ cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhân văn, chấp nhanạ tự do cạnh tranh trên cơ sở tôn trọng pháp lý và đạo đức xã hội, tạo động lực cho kinh tế-xã hội phát triển. Mặt khác, quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, CNH, HĐH đất nước sẽ không thể thực hiện trong một môi trường văn hóa bị nhiễu loạn, đạo đức XH bị tha hóa và luật pháp bị coi thường.
Ba là, thế giới đã và đang bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Dưới tác động của nó, nhiều sản phẩm văn hóa đã được công nghệ hóa, kinh tế hóa và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp giải trí Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia này. Điều đó cho thấy sự gắn kết ngày càng khăng khít giữa yếu tố văn hóa và yếu tố kinh tế, kỹ thuật công nghệ. Như vậy, VH đã trở thành nguồn lực trực tiếp để phát triển KT-XH.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, văn hóa không phải là yếu tố đứng bên ngòai mà là yếu tố bên trong, là nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Quan tâm chăm lo cho văn hóa chính là quan tâm đến nền tảng tinh thần, quan tâm đến động lực và nguồn lực của sự phát triển.