TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH !
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 11/06/2021 - Lượt xem: 759
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX

Ngày 10.6, tại Trụ sở Tỉnh ủy diễn ra Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
  

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại hội nghị


Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh…
 

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

 

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Tiến Sỹ trình bày báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và chủ trì điều hành nội dung: Báo cáo nhân sự ứng cử Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Dự thảo Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh là phát triển, thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các ngành, lĩnh vực; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số. Trong đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với quốc gia; có 2 đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh. Đến năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật; kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, chương trình cũng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu thực hiện chuyển đổi số.


Đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Dự thảo Chương trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân từ 2 đến 2,5%; giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 250 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt từ 80 triệu đồng/người/năm trở lên; 55 - 60 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 1 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030 có 100% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 70% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên. Đến năm 2025, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh bình quân tăng 9 - 10%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 66% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được cơ cấu lại, nâng cao về chất lượng hiệu quả, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; 100% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom xử lý...


Tiếp đó, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia vào các nội dung như: Bố trí nguồn vốn xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung ở các cụm công nghiệp; có cơ chế đặc thù để giải quyết những tồn tại, vướng mắc đối với cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư chưa thành lập được cụm công nghiệp do chưa xác định được đơn vị quản lý, khai thác, vận hành; rà soát lại các thủ tục hành chính chưa được lượng hóa trong thực hiện chuyển đổi số; chú trọng ứng dụng số trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn vào tỉnh; bố trí quỹ đất cho nhà ở công nhân; có cơ chế hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản trên sông Hồng, sông Luộc… 


Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc và các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các dự thảo chương trình được trình bày, thảo luận tại hội nghị đều là những chương trình lớn thể hiện quyết tâm chính trị cao, nhằm cụ thể hoá việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Việc ban hành nghị quyết thực hiện các chương trình nêu trên là phù hợp và cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở các giải pháp, nhiệm vụ mà chương trình đề ra, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp ý kiến để các chương trình sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ sở.

Nguồn: baohungyen.vn

Tin liên quan