Ngày 19.8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp tiếp tục triển khai Luật Quy hoạch hiệu quả, thực chất và đúng tiến độ. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Chí Công, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Hùng Nam.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Quy hoạch (năm 2017) và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch. Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành. Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo đảm mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng. Sự phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy tính liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu. Việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch do các quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, bởi có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Do đó, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, phải bảo đảm tính tổng thể, định hướng và bao quát toàn diện, đặc biệt là bám sát tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt giữa các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp, bàn bạc, chia sẻ thông tin để thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, trong đó các bộ, ngành công bố trước khung định hướng quy hoạch để các địa phương làm căn cứ thực hiện. Việc quy hoạch phải lấy mục tiêu lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích chung là trên hết, không cục bộ, chia cắt, manh mún. Các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các văn bản, quy định của pháp luật liên quan. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác quy hoạch… Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc thuộc cấp, ngành nào, cấp ngành đó giải quyết, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các ngành, địa phương tổng hợp đề xuất giải quyết.
Nguồn: http://baohungyen.vn/kinh-te/202108/hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-ve-cong-tac-quy-hoach-1f366a5/