TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH - THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH !
Lịch sử, truyền thống
Đăng ngày: 18/01/2024 - Lượt xem: 392
Truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ của Nhân dân Hưng Yên

Truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như vùng đất và con người Hưng Yên nói riêng.

Hưng Yên ngày nay là vùng đất thuộc ba xứ xưa kia gộp lại, xứ Bắc trước kia có các huyện Văn Giang, Văn Lâm và một phần huyện Yên Mỹ; xứ Đông gồm Mỹ Hào, Yên Mỹ; xứ Nam gồm Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ. Theo nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: Xứ Bắc “mạch đất tốt tụ vào đấy nên nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa hợp vào đấy nên sản sinh ra nhiều danh thần…”; xứ Nam “Địa thế trấn này rộng, xa, người nhiều, cảnh tốt, là bậc nhất trong bốn thừa tuyên… là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là văn nhã…”; xứ Đông “là một nơi giàu thịnh và xứng đáng là một xứ có danh tiếng”. Địa danh Hưng Yên được đánh giá là miền đất linh - người tuấn kiệt.

Hòa cùng hòa khí Việt Nam anh hùng, người Hưng Yên chảy trong mình dòng nhiệt huyết yêu nước và tinh thần thượng võ. Với địa thế chiến lược, cửa ngõ tây nam của thủ đô Hà Nội và kinh thành xưa, bao lần Hưng Yên là chiến tuyến oanh liệt giữa quân ta với giặc ngoại xâm. Người Hưng Yên rất đỗi tự hào về truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ. Những tấm gương anh hùng, tiêu biểu trong lĩnh vực quân sự như: Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), các tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Trung tướng Nguyễn Bình… Người Hưng Yên sống bất khuất, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh giành độc lập, tự do khi đất nước có giặc ngoại xâm. “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, với lòng căm thù giặc sâu sắc, họ bám đất, bám làng, lớp lớp thế hệ đoàn kết đấu tranh dù già - trẻ, gái - trai; họ đã cầm gươm, cầm súng, cầm đòn gánh, búa, liềm… bằng mọi thứ có trên tay, nhất tề giết gặc. Qua máu lửa chiến tranh, dù mất mát, hy sinh, các thế hệ người Hưng Yên đã đóng góp hào hùng cho lịch sử dân tộc.

Mở đầu trang sử chống xâm lăng của Nhân dân Hưng Yên là chiến công của 3 chàng trai làng Thổ Hoàng (huyện Ân Thi), của Hoàng An ở làng Phả Lễ (huyện Văn Lâm) đã cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ 6. Tiếp theo đó là chiến công của các Lạc tướng Đặng Minh Đức, Đặng Chiêu Trung trên đất Nghĩa Trang (huyện Yên Mỹ). Năm 214 trước công nguyên, quân Tần kéo sang Âu Lạc xâm lược, Nhân dân địa phương đã sát cánh chiến đấu trong đội quân của Trương Hoàng, Trương Tính (huyện Yên Mỹ), của Nguyễn Bảo (huyện Tiên Lữ), lập nhiều chiến công.

Suốt ngàn năm Bắc thuộc, Nhân dân Hưng Yên đã nung nấu chí khí căm thù quân xâm lược, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước và quê hương. Mùa Xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách thống trị của nhà Đông Hán bùng nổ, nhanh chóng cuốn hút Nhân dân trong nước vào cơn bão táp đó. Trong đội ngũ các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa có Nguyệt Thai, Nguyệt Độ (huyện Khoái Châu), Lã Văn Ất (huyện Văn Giang), Hương Thảo (huyện Ân Thi), Mã Châu (thành phố Hưng Yên), Trần Lữu (huyện Tiên Lữ)… đã góp phần đánh đuổi tên thái thú Tô Định, giải phóng Luy Lâu, Chu Diên và hơn 60 thành trì khác. Tên tuổi của họ, nhất là các nữ tướng còn sống mãi trong lòng Nhân dân.

Năm 542, cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo bùng nổ, đã nhận được sự hưởng ứng kịp thời của Triệu Túc - thủ lĩnh vùng Chu Diên và con trai của ông là Triệu Quang Phục. Sau khi chiếm được Long Biên, đánh tan cuộc phản kích của quân Lương, giữa năm 543, Lý Bí lên ngôi, lấy hiệu là Lý Nam Đế, lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Hai năm sau, giặc đưa quân sang phản công, Lý Nam Đế tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Năm 548, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên thay, đã lui quân về Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), xưng là Triệu Việt Vương, giáng cho quân Lương nhiều đòn chí mạng, giết chết tướng giặc là Dương Sàn, giành lại quyền độc lập trong 20 năm.

Khi đất nước giành lại quyền tự chủ, nhà Nam Hán lại lăm le xâm lược nước ta. Để đánh tan mưu đồ của giặc, năm 938, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (phố Giác, huyện Tiên Lữ) chuẩn bị cho trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đã nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (thành phố Hưng Yên) và sự giúp đỡ của Nhân dân huyện Tiên Lữ. Những đóng góp của Nhân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.Thế kỷ XIII, với đóng góp của dân binh Hưng Yên, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng đại quân của Trần Quốc Tuấn quét sạch quân Nguyên Mông. Thế kỷ XV, người Hưng Yên lập kỳ tích giết giặc Minh, góp phần làm nên chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn - Lê Lợi.

Cuối thế kỷ XIX, khởi nghĩa Bãy Sậy ở Hưng Yên thành điểm sáng trong phong trào yêu nước chống Pháp. Nhân dân Hưng Yên tham gia phong trào Cần Vương, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tham gia tích cực vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên…

Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt vĩ đại về sứ mệnh cách mạng của Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quần chúng cách mạng Hưng Yên đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi cơm áo, hòa bình, tham gia Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong đấu tranh, người Hưng Yên luôn coi trọng sức mạnh cộng đồng và tinh thần thượng võ. Nữ du kích Hoàng Ngân lập nên kỳ tích “sống anh dũng, chết vẻ vang”, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, các mẹ, các chị đã quả cảm giết giặc bằng mọi vũ khí sẵn trong tay, bằng niềm tin và nghị lực phi thường… Qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng Hưng Yên luôn phát huy sức mạnh toàn quân, toàn dân, vận dụng sáng tạo các mối giáp công, đấu tranh trên nhiều mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao… tiến đến cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, Hưng Yên có gần 23.000 anh hùng liệt sĩ; 9.814 thương binh; 7.235 bệnh binh; 2.273 người bị địch bắt và tù đày; gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 78 tập thể, 30 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Những gương sáng tiêu biểu cho tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như: Nhà cách mạng Tô Hiệu; Trung tướng Nguyễn Bình; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang… 

Với truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ đó, quân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, đưa giang sơn về một mối, đưa dân tộc bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.

Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ của quê hương Hưng Yên văn hiến và anh hùng, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Yên đã vươn lên mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả, thành tích đáng tự hào. Sau tái lập tỉnh (năm 1997), từ điểm xuất phát thấp, GDP bình quân đầu người 180 USD, hạ tầng cơ sở chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn. Xác định thế mạnh vị trí, nhân lực dồi dào, tỉnh tập trung đột phá phát triển công nghiệp, thực hiện những chính sách thu hút đầu tư công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, các cân đối kinh tế lớn được củng cố vững chắc hơn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,05%; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản 7,09%; công nghiệp và xây dựng 61,66%; dịch vụ 24,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,39%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 là 110,39 triệu đồng. Nông thôn và đời sống của người nông dân ngày càng khởi sắc. Các chính sách xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Với bàn tay, khối óc dựng xây, Hưng Yên hôm nay vươn mình hội nhập và phát triển. Màu mái ngói được thay bằng những ngôi nhà cao tầng hiện đại và kiên cố, những con đường nông thôn mới, công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày, thành phố, những khu công nghiệp, các khu đô thị thương mại và dịch vụ, thành phố xanh của hôm nay và tương lai.

Với những thành tựu đạt được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục thi đua lập nhiều thành tích, phát huy các nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; giữ vững những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng vững chắc hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, là tỉnh đô thị sinh thái hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Trần Quốc Việt,

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Tin liên quan