Đền Phượng Hoàng có tên tự: “Phượng Hoàng từ”, tên nôm: đền Phượng Hoàng, đền Cúc Hoa, tên thường gọi Đền Cúc Hoa (là tên đặt để kỷ niệm người được tôn thờ tại di tích là Cúc Hoa). Đền Phượng Hoàng được đặt theo tên gọi của địa phương. Thôn Phượng Hoàng là một khu đất đẹp, có hình chim Phượng hoàng.
Truyện nôm khuyết danh “Tống Trân, Cúc Hoa” kể về cậu học trò nghèo cùng mẹ già đi ăn xin sau này trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên và nàng Cúc Hoa – một người con gái tài sắc vẹn toàn, con một Trưởng giả giàu có nhưng Nàng biết trọng lẽ phải và giàu tình thương người. Nàng đã hy sinh tuổi trẻ và dũng cảm vượt qua những định kiến khắt khe của xã hội phong kiến, từ bỏ cuộc sống sung túc, êm ấm của mình để nhận lấy cuộc đời gian truân, vất vả cùng Tống Trân. Nàng là một người vợ đảm đang lo việc nhà và lo cho chồng ăn học thành danh. Tuy xa chồng mười năm nhưng Cúc Hoa vẫn giữ trọn tình nghĩa thủy chung. Nàng dũng cảm bảo vệ hạnh phúc riêng và là một người con dâu hiếu thảo. Cúc Hoa xứng đáng là tấm gương cho mọi thế hệ phụ nữ về sau noi theo. Sau khi Bà mất, nhân dân đã xây dựng đền Phượng Hoàng trên nền ngôi nhà bà đã ở để tôn thờ.
Đền Phượng Hoàng có tên tự: “Phượng Hoàng từ”, tên nôm: đền Phượng Hoàng, đền Cúc Hoa, tên thường gọi Đền Cúc Hoa (là tên đặt để kỷ niệm người được tôn thờ tại di tích là Cúc Hoa). Đền Phượng Hoàng được đặt theo tên gọi của địa phương. Thôn Phượng Hoàng là một khu đất đẹp, có hình chim Phượng hoàng.
Đền tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng ngay đầu thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Mảnh đất hiện nay đền tọa lạc là khu gò mộ của bà Cúc Hoa.
Tương truyền rằng đền được khởi dựng từ sớm, quy mô kiến trúc ban đầu khá bề thế và đẹp song qua thời gian và những cuộc chiến tranh tàn phá của bọn thực dân, ngôi đền đã bị hư hỏng. Sau đó nhân dân công đức phục dựng lại với kiến trúc chữ Đinh gồm 05 gian tiền tế kết cấu kiểu vì giá chiêng và hậu cung 02 gian được làm kiểu vì kèo đơn giản. Trước tòa tiền tế được đắp nổi cảnh tứ quý (Thông, mai, trúc, cúc) rất hài hòa. Hai đầu là hai cột trụ, đầu cột tạo dáng hình búp sen. Với kiến trúc thanh cao của thời Nguyễn đã tạo cho ngôi đền thêm phần mát mẻ. Trên hàng kèo hiên được chạm hoa dây mềm mại. Với kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen trở nên ấm áp và mang đậm sắc thái dân tộc. Phần trung tâm tòa tiền tế bài trí 01 ban thờ lớn, trên có bát hương, cây đèn, lọ hoa… Hai bên là 02 hàng câu đối ca ngợi đức hạnh của Cúc Hoa. Bên trái treo một quả chuông lớn đúc thời Bảo Đại đã ghi công đức những người đóng góp tu bổ đền.
Tiếp nối gian tiền tế là tòa Trung từ, gian chính diện được đặt một khám thờ lớn. Trong khám là tượng Cúc Hoa được đúc tạc với khuôn mặt phúc hậu đã gây được cảm tình sâu sắc với mọi người về nàng Cúc Hoa đức hạnh. Hai bên khám thờ đặt ngai thờ Đức ông và Thành Hoàng. Hai bên tường đặt ngai thờ, bia ký của các dòng họ đã có công đến khai phá, xây dựng nên vùng đất này. Phần trong cùng được tạo dựng với kiến trúc theo kiểu chồng diêm (cổ diêm) với kiến trúc xây dựng đó làm cho ngôi đền đẹp thêm và sinh động. Tuy ngôi đền không lớn nhưng với bố cục trên thể hiện tín ngưỡng đậm nét của dân tộc là “Tiên Thần, hậu Phật” Những tia nắng của mặt trời sớm và chiều đi lên qua những hàng song gỗ của chồng diêm làm cho hậu cung trở lên sáng hơn.
Hàng năm, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao, đức hạnh của bà.
Về với đền Cúc Hoa, du khách được tham quan và tìm hiểu di tích có giá trị văn hóa tiêu biểu của Hưng Yên. Tìm hiểu về cuộc đời nàng Cúc Hoa – người con gái mang đầy đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt và cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc của mối tính Tống Trân – Cúc Hoa. Trải qua bao bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền cũng như đức hạnh của bà Cúc Hoa vẫn mãi là niềm tự hào sâu sắc của người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến. Những giá trị nhân văn cũng như kiến trúc của đền đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia năm 1991.