Như vậy, 20 năm đã đi qua kể từ ngày tái lập huyện (1/5/1997-1/5/2017). Một chặng đường không phải là dài so với lịch sử hình thành và phát triển của một địa phương. Song, thời gian đó cũng đủ để chứng minh nội lực, tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm vượt khó của người Phù Cừ qua các giai đoạn.
Trụ sở huyện Phù Cừ năm 1997
Khi mới tái lập huyện, kinh tế Phù Cừ chậm phát triển, cơ sở vật chất còn hạn chế, đời sống nhân dân rất khó khăn. Toàn huyện mới chỉ có vài km đường nhựa, đường đá, còn lại là đường đất. Khu trung tâm huyện cũng chỉ vỏn vẹn mấy cửa hàng tạp hóa và mấy cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Trụ sở làm việc của HU-HĐND-UBND huyện còn là nhà cấp bốn, nhà tạm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện thuộc diện cao nhất tỉnh.
Trước những khó khăn bộn bề chồng chất, trước những yêu cầu bức thiết mà lĩnh vực nào cũng cần phải được tập trung giải quyết ngay. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đoàn kết đồng lòng, từng bước vượt qua thách thức, chọn bước đi và giải pháp phù hợp, biến những bất lợi thành lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Nếu năm 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 8%/năm thì 5 năm trở lại đây, kinh tế luôn duy trì tăng trưởng trung bình trên 13%/năm; Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2016 đã đạt 943,6 tỷ đồng, tăng hàng chục lần so với khi tái lập; Giá trị sản xuất CN – TTCN năm 1997 là 65 tỷ đồng thì đến năm 2016 đã tăng lên 855,5 tỷ đồng, gấp 13 lần; Thu ngân sách năm 2016 đã đạt 444,412 tỷ đồng, tăng gấp gần 40 lần so với năm 1997; Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, năm 1997 là 1,9 triệu đồng thì năm 2016 đã đạt gần 39 triệu đồng, tăng hơn 20 lần; Giá trị thu trên 1ha đất canh tác năm 1997 là 15 triệu đồng thì đến năm 2016 đã đạt 100 triệu đồng, tăng 6,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 5,67%.
Nhìn lại những thành tựu đã đạt được 20 năm qua mới thấy hết những cố gắng, nỗ lực rất đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Bằng sự chủ động nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là sự cần cù, năng động của các tầng lớp nhân dân trong huyện, kinh tế huyện nhà đã phát triển mạnh mẽ, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. 20 năm – một chặng đường nhìn lại, Phù Cừ hôm nay đã khoác trên mình một diện mạo mới. Dáng dấp của một huyện nông thôn mới đang dần hiện hữu ở mọi nơi. Tương lai về một vùng quê trù phú, ấm no và cũng rất đỗi bình yên đang hiện ra trước mắt.
Ông Đặng Đình Đê, cán bộ hưu trí, đảng viên 51 năm tuổi Đảng ở xã Nhật Quang đã có nhận xét: “Trước khi tái lập, huyện nhà rất nghèo, nhà cửa thì lúp xúp, đường đi thì lầy lội, bụi bặm, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên sau 20 năm, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, giờ đây bộ mặt của huyện đã thay đổi hẳn. Nhà cao tầng mọc lên san sát, các công trình phúc lợi, trụ sở làm việc của các quan thì khang trang bề thế, đường làng ngõ xóm được bê tông rộng rãi. Văn hóa xã hội cũng phát triển không ngừng, giáo dục, y tế có được rất nhiều thành tựu. An ninh quốc phòng được giữu vững. Trước đây khi chưa tái lập, Tiên Lữ mạnh hơn ta, kinh tế khá hơn ta, các phong trào cũng mạnh hơn. Nhưng giờ ta đã vượt hơn hẳn”. Chị Nguyễn Thị Hòa, người dân thị trấn Trần Cao cũng phấn khởi cho biết: “Năm 1997 trở về trước nhân dân còn nghèo khó lắm, thiếu thốn đủ đường. Giờ đây cuộc sống của nhân dân đã khấm khá nhìn thấy. Nếu trước đây chỉ mong được ăn no, mặc ấm thì giờ đây hầu hết nhân dân đã được ăn ngon, mặc đẹp. Nếu trước đây toàn đường đất, đường đá thì giờ đã được thay thế bằng đường nhựa, đường bê tông. Đặc biệt là thương mại, dịch vụ đã phát triển nhanh chóng, đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của nhân dân”.
Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhận thấy rõ những khó khăn, hạn chế, huyện đã có chủ trương và tập trung lãnh đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con mới cho giá trị cao vào sản xuất, thâm canh. Vì vậy, từ những cánh đồng trũng, bấp bênh, cấy lúa kém hiệu quả đã được người dân trong huyện biến thành những trang trại, vườn cây, ao cá rộng lớn. Nhiều vườn tạp kém hiệu quả được nhân dân cải tạo để trồng cây lâu năm, cây có múi. Những cây trồng đã cho thu nhập cao và trở thành đặc sản, có thương hiệu của huyện như vải lai chín sớm, cam canh, nhãn các loại… Hiện toàn huyện có gần 500 trang trại, có trang trại cho thu lãi từ 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm. Trên đồng ruộng hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao như: Vải lai u, cam Vinh, bưởi Diễn, cam đường canh ở các xã Tam Đa, Tiên Tiến, Minh Tiến. Lúa hàng hoá chất lượng cao ở các xã: Đoàn Đào, Minh Hoàng, Quang Hưng, Đình Cao. Khu vực phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm ở Tống Phan, Minh Tân, Đình Cao vv....
Trung tâm huyện lỵ - năm 2017 (khu vực ngã tư Phố Cao)
Để tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, đến cuối năm 2015, cả 14 xã, thị trấn trong huyện đã cơ bản hoàn thành việc dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp, đưa Phù Cừ trở thành huyện dẫn đầu và hoàn thành dồn thửa đổi ruộng nhanh nhất tỉnh. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động tổng nguồn vốn đạt 920 tỷ đồng (trong đó vốn do nhân dân đóng góp trên 589 tỷ đồng) để đầu tư chỉnh trang nhà cửa, đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi, các công trình văn hóa thôn vv… Đến nay 13 xã trong huyện đã đạt 217/247 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có bốn xã là Quang Hưng, Đình Cao, Đoàn Đào và Minh Tân đã đạt xã nông thôn mới, hai xã Tống Trân, Phan Sào Nam đã cơ bản hoàn thiện 19 tiêu chí và đang đề nghị tỉnh thẩm định công nhận. Diện mạo nông thôn của huyện giờ đây đã có sự đổi thay rõ rệt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Những âm thanh của máy cưa, máy tiện, máy chế biến nông sản thực phẩm đã tạo nên không khí sống động của một vùng quê đang trên đà đổi mới. Nhưng cái được hơn cả là tư duy phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân được nâng cao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố và thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện.
Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, huyện còn có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện về mặt bằng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính để cho các công ty, doanh nghiệp duy trì phát triển, mở rộng sản xuất. Hiện toàn huyện đã có trên 100 công ty, doanh nghiệp đang sản xuất, hoạt động. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã làm ăn hiệu quả như Công ty Cổ phần sản xuất thức ăn chăn nuôi ABC Việt Nam đóng trên địa bàn xã Đoàn Đào, Công ty TNHH May Hưng Phát đóng trên địa bàn xã Minh Tân, Công ty Cổ phần May Phú Hưng đóng trên địa bàn xã Đình cao, Công ty may Beanh đóng trên địa bàn thị trấn Trần Cao ...
Công nghiệp, dịch vụ phát triển, thu ngân sách của huyện không ngừng tăng cao, tạo điều kiện để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh. Đến nay trên 95% đường huyện quản lý được trải nhựa, trên 80% đường giao thông liên xã, đường thôn xóm được bê tông hoặc cứng hóa; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng cấp, xây dựng mới; cơ sở vật chất giáo dục, y tế được tăng cường; bưu chính, viễn thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, tâm linh đã và đang được đầu tư, hoàn thành.
Cùng với lãnh đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tăng cường công tác an ninh quốc phòng, những năm qua, huyện còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở được quan tâm. Công tác dân vận của Đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể quần chúng tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở, thiết thực và hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được coi trọng, hiệu quả được nâng cao.
Về một số chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đồng chí Lê Trí Viễn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: “Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ chỉ đạo tích tụ ruộng đất, tập trung các nguồn lực đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung; xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện sẽ chú trọng, quan tâm vào tạo điều kiện để công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển; có các cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hai cụm công nghiệp đã được phê duyệt; đẩy nhanh việc triển khai khai thác khu du lịch tâm linh Cây đa và Đền La Tiến và nguồn nước nóng tại xã Tống Trân. Ngoài ra, hàng năm huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ các địa phương trong thực hiện, xây dựng các mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao để nhân rộng trên địa bàn huyện”.
20 năm đã đi qua, giờ đây, khách và những người con xa quê khi về thăm Phù Cừ, chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt của một vùng quê thuần nông, giờ đã khoác trên mình một màu xanh của sự no ấm và trù phú. Nền kinh tế của huyện đã đi vào nền nếp và phát triển ổn định, điều đó đã khẳng định và chứng tỏ chủ trương biến bất lợi thành lợi thế của huyện nhà đang từng bước trở thành hiện thực và là bí quyết thành công trong xóa đói, giảm nghèo, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đặng Quân/ĐTT